DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

12 Năm Nô Lệ

Tác giả Solomon Northup
Bộ sách
Thể loại Tự truyện
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 5890
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Solomon Northup Tự Truyện Kinh Điển Văn học Mỹ Văn học phương Tây
Nguồn tve-4u.org
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

12 năm nô lệ - câu chuyện có thật về Solomon Northup, một công dân tự do của New York, bị bắt cóc làm nô lệ tại thành phố Washington năm 1841, và được giải cứu từ một đồn điền trồng bông ở tiểu bang Louisiana năm 1853. Chuyện do chính Solomon thuật lại, với sự chắp bút của David Wilson. Giữ vai trò đồng hành cùng Solomon trên dòng hồi tưởng ấy, David thổ lộ: “Chúng tôi tin chuyện kể về trải nghiệm của ông nơi nhánh sông Con Bò sẽ xây nên một bức tranh đúng đắn về Chế độ nô lệ, trong hết thảy sáng tối của nó, như chế độ ấy thực đang tồn tại trên vùng đất đó. Không bị chệch lạc đi, theo ông quan niệm, vì bất cứ ấn tượng sẵn có hay định kiến nào, tôn chỉ duy nhất của người biên tập là trao đi một chuyện đáng tin cậy về cuộc đời Solomon Northup, đúng như chính mình nghe ông kể”.

Mười hai năm không hẳn là quãng đường dài với một đời người tự do, nhưng chắc chắn là ngàn thu đối với phận số nô lệ. 12 năm nô lệ đi theo trật tự tuyến tính thông thường; những lời kể - dẫu được một nô lệ có ăn học đàng hoàng cất lên - cũng không lấy gì làm cầu kì, hoa mĩ, trái lại, rất mộc mạc và lắm lúc “dông dài” như cái lối truyền khẩu xưa nay của người bình dân. Câu chuyện đẹp vì lẽ khác, vì tâm ý sao mà chân thành, xúc cảm sao mà thống thiết khiến ta những muốn khóc cười theo.

Solomon Northup - nhân vật chính, đồng thời là tác giả cuốn sách - không chỉ thương thân mình trong cảnh bị câu thúc mà còn day dứt trước đời sống tủi nhục, thê thảm của các anh chị em tôi đòi khác; không chỉ ngồi đó sùi sụt oán than mà đã đôi lần phản kháng tới nơi tới chốn; hơn nữa, không chỉ dám phản kháng mà còn biết nương tay trước mạng sống của kẻ đang áp bức mình. Tất thảy làm nên cái “tầm” cho câu chuyện, dĩ nhiên không ở khía cạnh khát khao tham vọng gì to tát, nó xuất phát từ chữ “tâm” thôi.

Phần kết có cảnh Solomon ngồi trên xe toan vẫy tay từ giã các bạn hữu nô lệ nhưng vó ngựa lại thình lình rẽ ngoặt khiến họ khuất khỏi tầm mắt. Đọc mà rơm rớm... Hẳn nhiên, Solomon chưa từng có ý nhào nặn một nhân vật anh hùng - người bứt tung xiềng xích giải phóng cho nòi giống. Cố công tự giải thoát mình, nài xin sự đoái thương, giúp đỡ từ những đấng cao hơn mình, với ông vậy là đủ!

Khi Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ khánh thành tượng Thần Tự do năm 1886, không biết có ai chợt nhớ về Chế độ nô lệ, chợt thấy dư ảnh của nó - “cái thiết chế quái gở” gần năm mươi năm trước Solomon Northup phải trải qua, nguyên nhân gây ra nội chiến hai miền Nam, Bắc. Solomon Northup đâu muốn kể chi ngoài sự thật, song chính sự thật đó đã khơi mở cảm hứng cho những tiểu thuyết nổi tiếng như Túp lều của Bác Tom. Không quá lời khi nói, nếu Solomon còn sống, hẳn Nelson Mandela - người đấu tranh không nguôi nghỉ cho Tự do, Bình đẳng - sẽ tìm tới bắt tay ông, bởi nước Mỹ hay bất cứ nơi đâu trên thế giới đều thuộc về tất cả những ai sống ở đó, dù Trắng hay Đen.

Người đương thời đọc 12 năm nô lệ và quý trọng cái công minh của một nô lệ đã nhìn ra những ông chủ tốt - ông chủ xấu; trên hết thảy để thấy Chế độ nô lệ phải qua đi, đã qua đi như một dấu chấm kết trong lịch sử.

***

Solomon Northup (1808 – 1863?) là một người da đen tự do sống tại Hebron, New York. Năm 1841, ông bị bắt cóc và đem bán làm nô lệ ở miền Nam. Năm 1853, ông được trả tự do và trở về với gia đình. Năm sau đó, ông xuất bản cuốn hồi ký “12 năm nô lệ” kể lại trải nghiệm đắng cay trong suốt 12 năm làm nô lệ. Cuốn sách đã gây tác động mạnh mẽ đến xã hội Mỹ.

Năm 1984, cuốn hồi kỳ được dựng thành phim Solomon Northup’s Odyssey chiếu trên kênh PBS. Năm 2013, cuốn sách một lần nữa được chuyển thể thành phim điện ảnh, giành được ba giải, trong đó có giải Phim hay nhất tại Oscar năm 2014.

“12 năm nô lệ” là một quyển hồi ký có thật do tác giả viết nên từ khoảng thời gian 12 năm bị bắt làm nô lệ vào thời nước Mỹ vẫn còn duy trì chế độ nô lệ ở một số bang miền Nam. Solomon là một công dân da màu tự do ở New York, có học thức, có việc làm, say mê vĩ cầm, có gia đình hạnh phúc với vợ và ba con nhỏ. Năm 1841, ông bị bắt cóc và đem bán làm nô lệ trong thân phận của một kẻ tên Platt trốn khỏi Georgia, phải lao động kham khổ kiệt sức suốt cả ngày, luôn thiếu ăn hoặc ăn thức ăn thừa ôi thiu, điều kiện sinh hoạt tồi tệ, thường xuyên bị chủ đánh đập tàn bạo không màng lí do. Cuộc sống của nô lệ không phải là cuộc sống của một con người, đó là cuộc sống tăm tối nơi địa ngục trần gian, không còn nhân quyền, không có tự do, trong mắt những người da trắng chỉ là “một con khỉ đầu chó”. Họ bị đánh đập vì mọi lí do: không thu hoạch bông đủ sản lượng, làm việc chậm trễ, thức dậy muộn, hay thậm chí cả khi tên chủ nô say xỉn… Không quá khó để bắt gặp những tấm lưng trần chằng chịt lằn roi như đan lưới, những vết sẹo dài chưa kịp lành thì đã phải hứng chịu thêm những đòn roi mới. Rất ít ai có can đảm chạy trốn, bởi xung quanh khu vực đồn điền hoàn toàn là đầm lầy không chốn nương thân, và cũng không thể đi xa nếu không có giấy thông hành. Có những người đã bỏ đi, nhưng sau đó phải quay lại dù phải chịu cơn mưa đòn roi thừa sống thiếu chết. Có những người bị thả chó săn đuổi cắn nát da thịt, hay có những người phải làm mồi cho cá sấu và thú dữ. Không ai có thể thoát khỏi số kiếp nô lệ đã được định sẵn từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi. Với rất nhiều nỗ lực liên lạc với người thân, Solomon cuối cùng cũng đã tự giải phóng cho mình, nhưng vẫn còn hàng ngàn hàng triệu nô lệ da đen khác phải chịu số phận địa ngục trần gian và chỉ chấm dứt cho đến khi Abraham Lincoln công bố Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ vào năm 1862 – 1863.

Trong tận sâu những khao khát của mình, những nô lệ da đen ao ước được tự do, được đối xử bình đẳng, được hưởng thụ thành quả lao động của mình và được hạnh phúc, giống như trong bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ đã tuyên bố: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Thế nhưng với họ, họ chỉ tự do khi đã ngã xuống và chôn vùi trong đất. Solomon rất may mắn so với những người còn lại vì anh vốn là một người tự do, anh khao khát và nỗ lực sự tự do vốn thuộc về mình. Solomon cũng không có ý định làm anh hùng giải phóng, mà việc tự giải thoát cho chính mình đã là một kỳ tích. Để sau đó Solomon có thể đứng lên kể lại câu chuyện cuộc đời mình cũng như những số phận bị vùi dập mà anh đã chứng kiến, để cho toàn thế giới biết chế độ nô lệ là mất nhân tính như thế nào. Những nô lệ quá dễ dàng được mua và bán chỉ với giá vài trăm cho đến hơn một ngàn đô la, mỗi chủ nô đều có hàng chục đến hàng trăm nô lệ, vì thế sinh mạng của một người thì có đáng là bao, mất người này thì còn người khác, mất người khác thì lại đi chọn mua thêm. “Ở nơi này, sự tồn tại của chế độ nô lệ, trong cái dạng thức tàn bạo nhất có thể, đã phần nào xóa sổ cái thiên lương tốt đẹp trong con người. Hằng ngày phải chứng kiến những nỗi thống khổ, những tiếng thét đau đớn của người nô lệ khi họ oằn mình dưới ngọn roi tàn nhẫn, khi họ bị chó cắn và xé xác, chết mà không được ai để ý, bị đem đi chôn mà không có quan tài hay vải liệm, thì làm sao có thể tránh cho mình trở nên tàn bạo và coi thường mạng sống con người.”

Quyển sách hồi ký được kể theo trình tự thời gian, ngôn ngữ giản dị và chân thực, lối kể thuần tự sự đã lột tả được số phận bi thảm của những con người da màu dưới chế độ nô lệ hà khắc đã hoàn toàn đánh mất nhân tính và nhân quyền. Solomon đã dùng câu chuyện của mình để lên án mạnh mẽ chế độ nô lệ, tố cáo bản chất tàn bạo của con người và đề cao quyền bình đẳng của con người, bất kể màu da, xuất thân hay nguồn gốc.

Đánh giá: 4.5/5.
Yêu thích: 2.5/5.

Mời các bạn đón đọc 12 Năm Nô Lệ của tác giả Solomon Northup.

may-doc-sach

thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 75.000   

Giá bán

56.250 

Giá bìa 75.000   

Giá bán

56.250