DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Câu chuyện về một lần biến mất để tự tìm lại chính mình. Les Echos.

Một bầu không khí bao trùm ngay từ trang đầu tiên, và vẫn còn bao bọc ta sau khi đã gấp sách lại rất lâu. Chatelaine.

Một văn phong riêng biệt mà Modiano sử dụng để nhắc chúng ta nhớ rằng ông sẽ luôn trung thành với chính mình. La Presse.

"Tôi viết những dòng này giống như người ta soạn một biên bản hoặc một bản lý lịch trích ngang, để làm tài liệu tham khảo, và hẳn là để dứt khoát với một quãng đời không phải của tôi. Những sự kiện mà tôi nhắc đến, từ thuở ấu thơ cho đến năm hai mươi mốt tuổi, tôi đã trải qua như trong một vở diễn, khi mà người ta cho các khung cảnh lướt đi ở đằng sau còn các diễn viên vẫn bất động trên sân khấu. Tôi muốn diễn tả cái cảm giác mà nhiều người đã từng cảm nhận trước tôi: mọi thứ cứ thế trôi qua, mà tôi vẫn chưa thể sống cuộc sống của chính mình."

Cuốn sách giống như lời độc thoại của tác giả, thấm đẫm những hoài niệm u buồn, không rõ rệt. Vẫn là văn phong riêng biệt, với những câu ngắn, ít động từ và không có câu chữ chuyển tiếp, tưởng như ta đang cùng Patrick Modiano lật giở từng tấm thẻ ghi chép để tìm lại những ký ức gắn liền với chúng. Những dòng văn đầy cảm xúc mà dè dặt đưa độc giả đến với những tâm sự thầm kín của một con người đau đáu tìm về cội rễ của chính mình.

Một tác phẩm nhẹ nhàng mà khiến ta lay động cả tâm can.

TÁC GIẢ:
Patrick Modiano, sinh năm 1945 tại Pháp, có cha là người Ý gốc Do Thái, mẹ là nghệ sĩ người Bỉ. Patrick Modiano được coi là một trong những nhà văn tài năng nhất thế hệ của ông. Là nhà thám hiểm quá khứ, ông biết cách khơi gợi lên một cách vô cùng chính xác và chi tiết bầu không khí của những địa điểm hay những thời đại đã qua, ví dụ như Paris thời bị Đức chiếm đóng.

Ngoài tiểu thuyết, Patrick Modiano còn viết kịch bản, lời bài hát. Ông đã giành được rất nhiều giải thưởng danh giá, trong đó phải kể đến Giải Goncourt năm 1978 và Giải Nobel văn chương năm 2014.

Các tác phẩm cùng tác giả: 

  • Phố những cửa hiệu u tối
  • Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối
  • Từ thăm thẳm lãng quên
  • Để em khỏi lạc trong khu phố
  • Quảng trường Ngôi sao
  • Catherine cô bé đeo mắt kính
  • Một gánh xiếc qua
  • Những đại lộ ngoại vi
***

Modiano vẫn thế và mãi như thế, vẫn là một cơn dấn thân vào trong ký ức để truy tìm bản thân là ai. Được xếp cùng hàng với Quảng trường ngôi sao và Một gánh xiếc qua – những cuốn sách khó đọc nhất của ông, Lai lịchlà bản tường trình của những tiếng nói vọng về từ xa, của một Modiano từ lúc trưởng thành đến khi 21 tuổi, ở quãng thời gian mà con ngựa bất kham bắt đầu lồng lên phá vỡ kìm tỏa bên trong mình.

Tiếp nối câu chuyện về băng đảng phố Lancaster trong tác phẩm trước – Kho đựng nỗi đau, Lai lịch là dấu gạch nối giữa những ngày đầu của sự mất mát và việc bị bỏ mặc với sự trả thù trong “trường đoạn đau đớn ở ga tàu điện ngầm George IV”của Những đại lộ vành đaiLai lịch rõ ràng không chứa những dấu ấn riêng của Modiano với cái bảng lảng, phủ mờ của Paris phồn hoa hay sự hoài nhớ lại những miền xa; mà thay vào đó, cuốn tiểu thuyết này độc chua chát và mãi đớn đau, mà như chính Modiano từng thừa nhận trong những trang viết, đó là một sự chán nản khi nêu ra hàng loạt những cái tên có phần dính líu hay từng can dự vào câu chuyện đời ông.

Hình tượng người cha, hơn bao giờ hết, hiển hình trong Lai lịch thật sự đủ đầy và không còn chỉ thoắt ẩn thoắt hiện trong các trước tác khác. Nếu Những đại lộ vành đai cho ta góc nhìn về người đàn ông mỏi mệt trước những biến cố lịch sử, thì Lai lịch sâu sắc hơn thế, là cái nhìn thẳng vào một xã hội bên lề với trò bịp bợm đến mức thượng thặng của người đàn ông tìm mọi cách ngắt kết nối với con trai mình ở trường nội trú, ở vùng Bordeaux, ở trạm cảnh sát hay trong quân đội.

Với cuốn tiểu thuyết lạ lẫm mà cũng xót xa một cách đớn đau này, Patrick Modiano lần nữa tìm về đêm lạnh lãng quên, để đến với những trại lính trống trơn, với những hành khách mờ ảo bước qua sân ga hoang vắng của nhừng thân tín từ trong quá khứ. Ở đó, bóng tối ám mùi da thuộc mãi luôn tồn tại, loáng thoáng và giày vò mãi nơi con người ấy. Một cuốn tiểu thuyết đầy tạp âm trắng của những câm lặng.

***

Tôi sanh ngày 30 tháng Bảy năm 1945, ở Boulogne-Billancourt, số 11 hẻm Marguerite, có cha gốc Do Thái và mẹ người Flamande quen nhau tại Paris dưới thời Đức chiếm đóng. Tôi viết “Do Thái” vậy chớ không thực sự biết từ đó có ý nghĩa như thế nào đối với cha tôi và chỉ bởi vì thời đó tôi có thấy nó xuất hiện trên mấy tấm thẻ căn cước. Biến loạn cực độ thường gây ra những cuộc gặp gỡ tình cờ, với hậu quả là chưa bao giờ tôi cảm thấy mình giống một đứa con trong giá thú, lại càng không phải một kẻ thừa kế của cha mẹ.

Mẹ tôi sanh năm 1918 ở Antwerp. Buổi ấu thơ của bà trải qua ở ngoại thành, đâu đó giữa Kiel và Hoboken. Cha bà là lao công, sau làm phụ tá chuyên viên trắc địa. Ông ngoại bà, Louis Bogaerts, làm bốc xếp ngoài bến cảng. Ông được lấy làm hình mẫu cho bức tượng công nhân bốc xếp, do Constantin Meunier tạc, đặt trước Tòa Thị chính Antwerp. Tôi còn giữ quyển loonboek[1] năm 1913, trong đó ông ghi chú tất cả những con tàu ông từng xếp dỡ: Michigan, Elisabethville, Santa Anna… Ông tử nạn vì ngã trong khi làm việc, năm ấy ông chừng sáu mươi lăm tuổi.

Thuở nhỏ, mẹ tôi theo đội thiếu niên Chim cắt Đỏ[2]. Bà làm việc trong Công ty Hơi đốt. Buổi tối, bà theo học các lớp kịch nghệ. Năm 1938, bà được nhà sản xuất kiêm đạo diễn điện ảnh Jan Vanderheyden tuyển mộ cho những tuồng phim hài tiếng flamand[3]. Tổng cộng bốn cuốn đã được thâu hình trong những năm từ 1938 tới 1941. Bà làm vũ nữ trình diễn trong các màn ca vũ tạp kỹ ở Antwerp và Brussels, và trong số vũ sư, nghệ sĩ, có rất đông người tỵ nạn từ Đức chạy sang. Ở Antwerp, bà sống trong một căn nhà nhỏ đường Horenstraat cùng với hai người bạn: một vũ sư, Joppie Van Allen, và Leon Lemmens, người gần như là thư ký kiêm cò dắt mối cho một tay đồng tính giàu có, Nam tước Jean L., người về sau thiệt mạng trong một trận oanh tạc ở Ostende, tháng Năm năm 1940. Một người bạn tốt của bà là Lon Landau làm nghề trang trí sân khấu, rồi bà sẽ gặp lại ở Brussels năm 1942 khi ông ta bị bắt đeo phù hiệu sao vàng[4].

Tôi cố thuật chuyện theo trình tự thời gian, vì không có dấu mốc nào khác. Năm 1940, sau khi Đức chiếm Bỉ, bà sống ở Brussels. Bà hứa hôn với một chàng tên Georges Niels, viên giám đốc hai mươi tuổi của khách sạn Canterbury. Nhà hàng trong khách sạn nầy bị các viên chức Propaganda-Staffel[5] trưng dụng một phần. Mẹ tôi trú tại Canterbury, nhờ đó gặp đủ mọi hạng người. Tôi không biết gì về những người đó. Bà làm việc cho chương trình tiếng flamand của đài phát thanh. Bà được nhận vào làm ở Hí viện Ghent. Tháng Sáu năm 1941, bà tham gia chuyến đi vòng quanh các hải cảng bên bờ Đại Tây Dương và eo biển Manche để trình diễn trước thợ thuyền người Flamande của Tổ chức Todt hoặc phục vụ phi công Đức ở Hazebrouck, xa hơn về phía Bắc.

Hồi đó mẹ tôi còn là thiếu nữ, đẹp và lạnh lùng. Hôn phu tặng bà một con chó sư-tử-xù[6] nhưng bà không săn sóc nó mà đem gởi hết người nầy tới người nọ, y như bà đối với tôi sau nầy. Con chó rồi sẽ nhảy qua cửa sổ tự tử. Con sư-tử-xù có xuất hiện trong hai hay ba tấm ảnh và phải thú nhận rằng tôi thương và cảm thấy thân thiết với nó vô cùng.

Cha mẹ của Georges Niels là chủ khách sạn giàu có ở Brussels, không muốn mẹ tôi cưới con trai họ. Bà quyết định rời Bỉ. Người Đức có ý định cử bà đi học trường điện ảnh ở Berlin nhưng một sĩ quan trẻ của Propaganda-Staffel, quen mẹ tôi ở khách sạn Canterbury, đã gỡ bà ra khỏi một ngã rẽ tồi tệ bằng cách gởi bà sang Paris, đến hãng phim Continental đương dưới quyền điều khiển của Alfred Greven.

Bà tới Paris vào tháng Sáu năm 1942. Greven cho mẹ tôi thử diễn xuất ở trường quay Billancourt nhưng chưa chính thức thâu nhận. Bà làm trong bộ phận lồng tiếng của Continental, chuyên viết phụ đề tiếng Hòa Lan cho các phim Pháp do hãng nầy sản xuất. Bà thành tình nhân của Aurel Bischoff, một trong mấy viên phụ tá cho Greven.

Ở Paris, bà trọ một phòng tại số 15 bến Conti, trong căn chung cư mướn lại của một tay buôn đồ cổ từ Brussels cùng cậu bạn của anh ta, Jean de B., mà tôi tưởng còn chưa đủ tuổi thành niên, có mẹ và các chị em gái sống trong lâu đài dưới miệt Poitou, lén lút viết cho Cocteau những bức thư nồng nhiệt. Qua trung gian của Jean de B., mẹ tôi gặp tên Đức trẻ Klaus Valentiner, đang ẩn mình cầu an trong một sở công vụ hành chánh. Y sống trong nhà xưởng trên bến Voltaire, có giờ rảnh thì đọc những quyển tiểu thuyết mới nhất của Evelyn Waugh. Sau, y bị đẩy ra tiền tuyến chống Nga rồi tử trận.

Khách thăm viếng căn chung cư bến Conti còn có: một thanh niên Nga, Georges d’Ismaïloff, mắc bịnh lao nhưng ra đường không chịu khoác măng tô giữa trời đông giá của những năm Đức chiếm đóng. Gã Hy Lạp tên Christos Bellos, bị lỡ chuyến tàu chót đi Mỹ mà theo lẽ gã sẽ được đoàn tụ với một người bạn ở đó. Một cô nàng cỡ tuổi mẹ tôi, Geneviève Vaudoyer. Những người nầy giờ chỉ còn cái tên lưu lại. Gia đình Pháp khá giả đầu tiên đón tiếp mẹ tôi: gia đình của Geneviève Vaudoyer và cha cô, ông Jean-Louis Vaudoyer. Geneviève Vaudoyer giới thiệu mẹ tôi với Arletty, cũng ngụ tại bến Conti trong tòa nhà kế cận số 15. Arletty nhận che chở cho mẹ tôi.

Bạn đọc thứ lỗi cho tôi về những cái tên đã và sẽ liệt kê tiếp sau đây. Tôi là con chó cứ làm bộ như mình thuộc giống thuần có sổ lai lịch. Cha và mẹ tôi không hề gắn bó với môi trường nào cố định. Họ vất vưởng, bất định đến nỗi tôi buộc phải nỗ lực tìm lấy một vài dấu vết, một vài cọc tiêu giữa cái bãi cát lún ấy, giống như người ta cố gắng điền tờ giấy hộ tịch hoặc phiếu điều tra hành chánh bằng những con chữ lờ mờ, nửa còn nửa mất.

Cha tôi sanh năm 1912 tại Paris, hẻm Square Pétrelle, giáp ranh giữa quận 9 và quận 10. Cha ông gốc người Thessaloniki, xuất thân từ một dòng họ Do Thái xưa ở vùng Tuscany dọn tới định cư trong lãnh thổ của Đế chế Ottoman. Ông có các anh chị em họ ở Luân Đôn, Alexandria, Milan và Budapest. Bốn người anh chị em họ của cha tôi, Carlo, Grazia, Giacomo và vợ ông ta Mary, sau sẽ bị lực lượng SS sát hại bên Ý, thị xã Arona, hồ Maggiore vào tháng Chín năm 1943. Ông nội tôi bỏ Thessaloniki đi sang Alexandria lúc hãy còn nhỏ. Nhưng chỉ sau vài năm ông lại sang Venezuela. Tôi nghĩ là ông đã cắt đứt mọi liên hệ với quê hương và gia đình. Thoạt tiên, ông hứng thú với nghề buôn ngọc trai trên đảo Margarita, kế đó lại trông coi một vựa ve chai ở Caracas. Rời Venezuela, ông đến Paris sinh sống vào năm 1903. Ông mở tiệm đồ cổ số 5 đường Châteaudun chuyên bán đồ mỹ nghệ Trung Hoa và Nhật Bản. Ông có sổ thông hành Tây Ban Nha và, cho tới cuối đời, vẫn xin để tên trong sổ bộ của tòa lãnh sự Tây Ban Nha tại Paris, mặc dầu tổ tiên ông đã từng sống trong vùng bảo hộ của các lãnh sự Pháp, Anh, Áo dưới danh nghĩa “thuộc dân Tuscany”. Tôi đã cất giữ nhiều quyển sổ thông hành của ông, trong đó có một quyển do tòa lãnh sự Tây Ban Nha ở Alexandria cấp phát. Và một giấy, lập năm 1894 tại Caracas, xác nhận ông là hội viên của Hội Bảo vệ động vật. Bà nội tôi sanh ở Pas-de-Calais. Cha bà, vào năm 1916, sống trong một khu ngoại thành Nottingham. Thế nhưng, bà cũng sẽ chọn quốc tịch Tây Ban Nha sau khi lấy chồng.

Cha tôi mất cha năm lên bốn. Tuổi ấu thơ sống trong con hẻm Cité d’Hauteville, quận 10 Paris. Học nội trú tại trung học Chaptal, ở lại trường cả thứ Bảy và Chủ nhật, theo lời ông kể tôi nghe. Từ phòng ngủ cư xá, ông bị nghe đủ loại nhạc hội chợ tổ chức trên dải đất trống phân cách giữa đại lộ Batignolles. Ông rớt tú tài. Ông cô độc suốt thời niên thiếu và tuổi xanh. Mới mười sáu tuổi, ông với đám bạn đã thường lui tới khách sạn Bohy-Lafayette[7], mấy quán bar trên đường faubourg Montmartre, đường Cadet, khu Luna Park[8]. Ông tên Alberto nhưng người ta cứ gọi Aldo. Mười tám tuổi, ông làm chuyển vận xăng lậu từ ngoài vào Paris, trốn các thứ thuế nhập thị[9] do Đô thành đặt ra. Mười chín tuổi, ông thỉnh cầu một viên giám đốc nhà băng Saint-Phalle hậu thuẫn ông thực hiện các nghiệp vụ “tài chánh”, và bằng lời lẽ thuyết phục thế nào đó mà người nầy ưng thuận. Nhưng rồi vụ làm ăn thất bại vì cha tôi còn vị thành niên, tư pháp can thiệp. Hai mươi tư tuổi, ông mướn một căn phòng số 33 đại lộ Montaigne và, theo tài liệu tôi còn giữ, ông thường xuyên đi Luân Đôn để dự phần vào việc thành lập công ty Bravisco Ltd. Mẹ ông qua đời năm 1937 trong một nhà trọ bình dân trên đường Roquépine nơi ông từng lưu trú một thời gian với em trai ông là Ralph. Kế đó, ông thuê buồng trong khách sạn Terminus gần nhà ga xe lửa Saint-Lazare, rồi bỏ đi mà không trả tiền trọ. Ngay trước khi nổ ra cuộc can qua, ông coi sóc một tiệm bán quần vớ phụ nữ và nước hoa, số 71 đại lộ Malesherbes. Thời kỳ nầy, ông sống trên đường Frédéric-Bastiat (quận 8).

Chiến tranh xảy đến khi cha tôi chưa tạo dựng được một cơ sở dù nhỏ nhưng ông đã kịp biết cách xoay xở mà sống. Năm 1940, ông nhờ gởi thư về khách sạn Victor-Emmanuel III, số 24 đường Ponthieu. Trong thư đề năm 1940 gởi cho em trai Ralph từ Angoulême nơi ông bị động viên vào một trung đoàn pháo binh, ông có nhắc tới một chiếc đèn chùm bị họ đem đi cầm ngoài tiệm cầm đồ. Một lá thư khác, ông yêu cầu gởi tới Angoulême cho ông tờ tuần san Courrier des pétroles[10]. Trước đó, những năm 1937-1939, ông từng chạy “áp-phe” xăng dầu cùng một nhân vật tên Enriquez: Công ty Royalieu, xăng dầu Romania.

Sự kiện nước Pháp thất thủ tháng Sáu năm 1940 thình lình trói chân ông trong trại lính Angoulême. Ông không bị bắt tù binh vì Đức tặc chỉ tới Angoulême sau ký kết thỏa thuận đình chiến. Ông tị nạn tại Sables-d’Olonne cho tới tháng Chín. Ở đó, ông gặp lại ông bạn Henri Lagroua và hai cô bạn chung của họ, một cô là Suzanne gì đó, cô còn lại là Gysèle Hollerich, vũ sư của tiệm nhảy Tabarin.

Trở về Paris, ông không khai mình là người Do Thái. Ông sống cùng chú Ralph tôi, đương ở đậu nhà cô đào của chú nầy, người đảo Mauritius có sổ thông hành Anh quốc. Căn chung cư ngụ tại số 5 đường Saussaies, ngay sát bên Gestapo[11]. Cũng bởi cuốn sổ thông hành ăng-lê mà cô nàng phải lên ty cảnh sát trình diện mỗi tuần. Rồi nàng sẽ phải trải qua nhiều tháng lưu trú cưỡng bách tại Besançon và Vittel vì là “người Anh”. Cha tôi có bạn gái, Hela H., người Do Thái Đức, trước là hôn thê của Billy Wilder[12] hồi ở Berlin. Họ bị tóm vào một đêm tháng Hai năm 1942 tại một quán ăn trên đường Marignan, trong một cuộc kiểm tra căn cước, người ta kiểm tra rất ngặt vào tháng đó, vì có sắc lệnh mới được ban hành cấm người Do Thái lai vãng ngoài đường và các nơi công cộng sau tám giờ tối. Cha tôi và cô bạn gái lại không mang theo bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Hai người bọn họ liền bị mấy thẩm sát viên tống lên cần xé xà-lách[13] chở tới đường Greffulhe để “xác minh”, gặp ông cò tên là Schweblin gì đó. Cha tôi phải chối tên tuổi thật của mình. Bị cảnh sát tách ra khỏi cô bạn gái, ông lợi dụng đúng lúc đèn hẹn giờ phụt tắt, trốn thoát ngay khi người ta sửa soạn đưa ông qua trại tạm giam. Hela H. được phóng thích ngày hôm sau, chắc hẳn là nhờ có sự can thiệp từ một người bạn của cha tôi. Là ai? Tôi thắc mắc suốt. Sau cuộc đào tẩu, cha tôi núp dưới gầm cầu thang một tòa nhà trên đường Mathurins, cố gắng tránh đánh động người gác-dan. Ông qua đêm ở đây vì mắc kẹt giờ giới nghiêm. Sớm hôm sau, ông về đường Saussaies. Rồi ông cuốn gói đi với chú Ralph và cô nàng đảo Mauritius, tạm lánh trong một khách điếm, T Alcyon de Breteuil, do mẹ một người bạn của họ làm chủ. Sau khoảng thời gian nầy, ông với Hela H. mướn một căn phòng cho thuê sẵn đồ đạc nằm trong hẻm Square Villaret-de-Joyeuse, rồi tiếp theo dọn qua khách sạn Les Marronniers, đường Chazelles.

Trong số những người giao du với cha tôi thời gian đó, tôi lục ra được Henri Lagroua, Sacha Gordine, Freddie McEvoy, nhà vô địch môn xe trượt lòng máng đồng thời là một tay đua xe hơi, người Úc Đại Lợi, mở chung một “hiệu buôn” với cha tôi trên đại lộ Champs-Élysées ngay sau 1945 mà tôi không rõ tên là gì; một Jean Koporindé nào đó (189 đường Pompe), Geza Pellmont, Toddie Werner (thường gọi là “Bà Sahuque”) và bạn của cô ta là Hessien (Liselotte), Kissa Kouprine, người Nga, con gái của nhà văn Kouprine. Nàng từng quay vài cuốn phim và đóng một vở kịch của Roger Vitrac, Những thiếu nữ trùng dương[14]. Flory Francken, tức Nardus, cha tôi gọi tắt là “Flo”, con gái của một họa sĩ Hòa Lan, lớn lên ở Tunisia. Sau, nàng dọn đến Paris và năng lui tới khu Montparnasse. Năm 1938, nàng vướng vào một vụ lôi thôi phải nhận trát ra hầu tòa tiểu hình và năm 1940, nàng kết hôn với tài tử xứ Phù Tang Sessue Hayakawa. Thời Đức chiếm đóng, nàng kết thân với cô đào màn bạc Dita Parlo, từng thủ vai nữ anh hùng trong cuốn phim L’Atalante, và người tình của cô ta là bác sĩ Fuchs, một trong những người cầm đầu dịch vụ “Otto”, đầu nậu số một thị trường chợ đen, số 6 đường Adolphe-Yvon, quận 16.

Đó đại khái là cái thế giới nơi cha tôi đã sống. Xã hội bên lề? Bịp bợm thượng thặng?[15] Tôi trích thêm ra đây một cô nàng người Nga khác, trước khi cô chìm vào đêm lạnh của lãng quên[16], Galina, tự là “Gay” Orloff, một người bạn gái của cha tôi thuở đó. Cô nầy di cư sang Mỹ từ lúc rất trẻ. Hai mươi tuổi, cô nhảy cho một hí trường ở Florida, tại đó cô gặp gỡ và trở thành nhân tình của một người đàn ông thấp lùn, tóc nâu, rất mẫn cảm và rất lịch thiệp tên Lucky Luciano. Dọn đến Paris, cô hành nghề người mẫu rồi kết hôn để lấy Pháp tịch. Đầu thời Chiếm đóng, cô sống với một người Chi Lê, Pedro Eyzaguirre, “Bí thư Công sứ”, rồi lại sống một mình ở khách sạn Chateaubriand, đường Cirque, cha tôi thường đến đây gặp cô. Cô có tặng một con gấu bông hồi tôi được mấy tháng tuổi và tôi giữ nó rất lâu như một thứ bùa hộ mạng, như kỷ niệm duy nhất từ một người mẹ quá cố. Cô kết liễu đời mình ngày 12 tháng Hai năm 1948, hưởng dương ba mươi bốn tuổi. An táng tại Sainte-Geneviève-des-Bois.

Dàn danh sách những cái tên này ra càng dài và cho điểm danh lần lượt như trong một trại lính trống trơn, tôi càng thấy đầu mình quay cuồng, hơi thở hổn hển. Những con người lạ lùng. Ở thời buổi bất thường, tranh tối tranh sáng. Cha mẹ tôi gặp nhau trong bối cảnh như thế, giữa những con người cũng giống y như họ. Hai cánh bướm lạc loài, vô tri giữa một thành phố không-ánh-nhìn. Die Stadt ohne Blick[17]. Tôi có thể làm gì được, đó là thứ đất thịt - hay đất mùn bón phân - để từ đó cái cây là thằng tôi mọc lên. Những mẩu vụn thông tin mà tôi gom góp lại từ cuộc đời họ, tôi có được chủ yếu từ phía mẹ tôi. Cái hỗn độn, mờ đục của thế giới ngầm, của hoạt động chợ đen mà cha tôi đã kinh qua vì không-có-lựa-chọn, che khuất rất nhiều chi tiết đời tư của ông. Thành thử mẹ tôi cũng không biết được bao nhiêu. Tới hồi chung cuộc, ông đem theo những bí mật đó xuống tuyền đài.

Cha mẹ tôi quen biết nhau vào một buổi tối tháng Mười năm 1942, ở nhà Toddie Werner, tức “Bà Sahuque”, số 28 đường Scheffer, quận 16. Cha tôi lúc đó dùng tấm thẻ căn cước mang tên ông bạn Henri Lagroua. Hồi nhỏ, tôi nhớ vẫn thấy cái tên “Henri Lagroua” trong tờ danh sách trú khách, có từ thời Đức chiếm đóng, dán trên cửa kiếng phòng ông gác-dan nhà số 15 bến Conti, nằm đối diện dòng chữ “lầu 4”. Tôi hỏi bác gác-dan “Henri Lagroua” nầy là ai. Ông đáp: ông già cậu. Căn cước kép của cha làm tôi sửng sốt. Mãi sau nầy tôi mới biết, giai đoạn đó, ông còn mang những cái tên khác mà một thời gian sau chiến tranh, chúng vẫn gợi nhớ tới khuôn mặt ông trong ký ức của nhiều người. Rồi những cái tên đến cuối cùng cũng phải tách lìa khỏi linh hồn tội nghiệp cưu mang chúng, và chúng lấp lánh trong trí tưởng - hình dung của chúng ta như những vì sao xa. Mẹ giới thiệu cha tôi với Jean de B. và vài người bạn. Họ cảm thấy cha tôi có “dáng dấp lạ đời của dân Nam Mỹ” và nhẹ nhàng khuyên mẹ tôi nên “dè chừng”. Mẹ thuật lại chuyện đó cho cha nghe, ông cười rằng lần sau sẽ ra bộ “kỳ cục hơn nữa” và sẽ “dọa cho họ sợ khiếp”.

Ông không phải dân Nam Mỹ nhưng tồn tại không giấy tờ hợp lệ và sống nhờ chợ đen. Có nhiều thang máy chạy dọc theo hành lang thương xá Arcades du Lido[18] dẫn lên lầu, mẹ tôi đến tìm cha ở một trong những cửa tiệm trên đó. Lần nào cũng có nhiều người ở đó xung quanh cha tôi mà tôi không rõ tên tuổi. Ông giữ liên hệ đặc biệt với “hiệu buôn” số 53 đại lộ Hoche do hai anh em người Armenia đứng trông coi, mà ông có dịp quen biết họ từ trước chiến tranh: Alexandre và Ivan S. Ông giao cho anh em họ nhiều món hàng, trong số đó nhiều xe vận tải nguyên chuyến chỉ chở bạc đạn cũ tồn kho của hãng SKF, quá hạn, gỉ sét và không còn sử dụng được, chất đống trong kho cảng Saint-Ouen. Lục lọi tình cờ, tôi phát hiện ra tên những người làm việc cho số 53 đại lộ Hoche: Nam tước Wolff, Dante Vannuchi, bác sĩ Patt, “Alberto”, rồi thắc mắc liệu đây chỉ là những bí danh mà cha tôi sử dụng chăng. Tại hiệu buôn đại lộ Hoche, cha tôi đã gặp André Gabison, chủ của sản nghiệp, là người mà ông thường nhắc trong câu chuyện với mẹ tôi. Trên tay tôi lại có một tờ danh sách nhân viên mật vụ Đức đề năm 1945, trong đó xuất hiện một ghi chú dành riêng cho nhân vật nầy: Gabison (André). Quốc tịch Ý, sinh năm 1907. Tiểu thương gia. Sổ thông hành số 13755 cấp phát tại Paris ngày 18/11/42 cho biết y là thương nhân Tunisia. Từ năm 1940, là hội viên góp vốn của công ty Richir (hiệu buôn 53 đại lộ Hoche). Năm 1942, phái viên của Richir ở San Sebastian. Tháng Tư năm 1944, hoạt động dưới quyền một nhân viên SD[19] tên Rados, đi lại thường xuyên giữa Hendaye và Paris. Tháng Tám năm 1944, bị chỉ điểm là đội viên phân đội 6 sở SD Madrid, dưới quyền chỉ huy của Martin Maywald. Địa chỉ: phố Jorge Juan 17, Madrid (điện thoại: 50.222).

Các mối quan hệ khác của cha tôi thời Chiếm đóng, ít ra là những người mà tôi nhận biết, gồm: nhà ngân hàng Ý Đại Lợi, Georges Giorgini-Schiff và bạn gái Simone, cô nầy về sau cưới ông chủ của Moulin-Rouge là Pierre Foucret. Văn phòng của Giorgini-Schiff nằm ở số 4 đường Penthièvre. Cha tôi mua của ông ta viên kim cương lớn màu hường để rồi sau chiến tranh, gặp lúc túng tiền, đã định bán lại cho ông ta. Giorgini-Schiff bị Đức bắt tháng Chín năm 1943[20], sau cuộc đình chiến ký kết giữa Ý và phe Đồng minh. Thời Chiếm đóng, ông ta có giới thiệu cha mẹ tôi với tiến sĩ Carl Gerstner, là cố vấn kinh tế Tòa Đại sứ Đức, có bạn gái, Sybil, gốc Do Thái; sang thời hậu chiến, trở thành nhân vật “quan trọng” ở Đông Berlin. Annet Badel: cựu luật sư, giám đốc rạp Vieux-Colombier năm 1944. Cha tôi làm ăn chui với ông ta và con rể là Georges Vikar. Badel gởi cho mẹ tôi một bản sao kịch bản Xử kín[21] của Sartre mà ông ta sẽ dàn dựng vào tháng Năm năm 1944 ở Vieux-Colombier, nhan đề ban đầu là “Tha nhân”[22]. Bản đánh máy “Tha nhân” đó còn lưu lại phòng tôi trên lầu năm bến Conti, sâu trong hộc tủ âm tường, cho tới năm tôi mười lăm tuổi. Badel tưởng rằng mẹ tôi vẫn giữ liên lạc với người Đức, thông qua hãng phim Continental, và do đó, nhờ sự trung gian của bà mà ông ta có thể sớm xin được giấy phép kiểm duyệt cho vở kịch.

Những người thân cận khác của cha tôi: André Camoine, bán đồ cổ, bến Voltaire. Maria Tchernychev, con gái của một dòng quý tộc Nga đã “sa sút”, cùng với cha tôi dự phần vào các vụ làm ăn lậu lớn; những vụ khiêm tốn hơn, cha tôi bắt tay với một “Ông Fouquet”. Ông Fouquet nầy có cửa tiệm trên đường Rennes và có nhà là biệt thự ngoại thành Paris.

Tôi nhắm mắt lại và thấy cái dáng đi bệ vệ của Lucien P. từ sâu thẳm tận cùng trong quá khứ bước tới. Tôi nghĩ nghề của ông ta là đứng trung gian đưa người nọ đến với người kia. Ông ta mập bự khủng khiếp, nên hồi tôi nhỏ, mỗi lần thấy ông ta ngồi xuống ghế là tôi cứ sợ nó sẽ bẹp gí dưới sức nặng của ông ta. Hồi cha tôi và ông ta còn trẻ, Lucien P. là kẻ si tình sướt mướt của cô đào Simone Simon, lẽo đẽo theo cô từng bước như con chó bông bự. Ông ta cũng làm bạn với Sylviane Quimfe, nhà mạo hiểm kiêm quán quân môn bi-a, là bà Hầu tước d’Abrantès[23] thời Đức chiếm đóng, và là nhân tình của một đại ca băng đảng đường Lauriston. Những nhân vật hầu như tôi không thể dừng lại xem xét quá kỹ. Họ như những hành khách mờ ám lướt qua sảnh nhà ga, và tôi không bao giờ biết họ đi về đâu, giả thử họ có một cái đích để về. Kết thúc danh sách ma nầy, tôi thấy phải đề cập tới hai anh em Ivan và Alexandre S. mà tôi ngờ rằng họ song sinh. Alexandre có bạn gái tên Inka, vũ sư Phần Lan. Anh em họ có lẽ đã là những ông trùm chợ đen có số, bởi vì, trong thời kỳ Chiếm đóng, họ đã ăn mừng “bạc tỷ đầu tiên” kiếm được, tại căn chung cư của Ivan S. trong tòa nhà đồ sộ ở số 1 đại lộ Paul-Doumer. Y tháo chạy sang Tây Ban Nha vào ngày Giải phóng, giống trường hợp André Gabison. Còn Alexandre S. ra sao? Tôi thắc mắc. Nhưng mà, có cần thiết đặt câu hỏi cho mình không? Tôi, trái tim tôi đập cho những người có gương mặt xuất hiện trên khắp các “Bích chương đỏ”[24].

Jean de B. cùng nhà buôn đồ cổ Brussels rời căn chung cư bến Conti đầu năm 1943 và cha mẹ tôi thu xếp cư ngụ ở đó, cả hai người. Trước khi làm bạn đọc chán ngấy hoàn toàn và tôi thì mất hết can đảm cũng như hơi sức để tiếp tục, xin hãy xem thêm vài mẩu vụn cuộc đời cha mẹ tôi và cái thời đại xa xăm họ từng sống, giờ đã nhạt nhòa[25].

Họ có lần đi lánh nạn ở Ablis trong lâu đài Bréau, với Henri Lagroua và bạn gái là Denise. Lâu đài Bréau bị bỏ hoang. Chủ lâu đài người Mỹ, rời Pháp để tránh chiến tranh, nên giao lại chìa khóa cho bọn họ. Ở đồng quê, mẹ tôi chơi mô tô cùng Lagroua trên chiếc BSA 500 phân khối của anh ta. Bà ở cùng cha tôi tháng Bảy và tháng Tám năm 1943 tại quán trọ Le Petit Ritz, thị xã Varenne-Saint-Hilaire. Giorgini-Schiff, Simone, Gerstner và bạn gái Sybil cũng đến đó hội ngộ với cha mẹ tôi. Tắm trên dòng sông Marne. Quán trọ nầy là chỗ trú của vài kẻ vô lại với “vợ” của họ, trong số đó có một gã “Didi” và ghệ của y là “Bà Didi”. Buổi sáng, đám đàn ông lái xe đi lo những thứ việc mờ ám và từ Paris quay về thật muộn. Có đêm, cha mẹ tôi nghe tiếng tranh cãi trên đầu phòng mình. Người đàn bà chửi ông nhân ngãi là “đồ cớm thúi” rồi liệng qua cửa sổ từng nùi giấy bạc, trách ông ta vì đã mang đống tiền đó về. Cảnh sát giả dạng? Tay sai của Gestapo? Toddie Werner, tức “Bà Sahuque”, tại nhà cô ta mà cha mẹ tôi quen biết nhau, trốn thoát một cuộc bố ráp đầu năm 1943. Cô bị thương sau khi nhảy qua cửa sổ chung cư. Người ta tróc nã Sacha Gordine, một trong những người bạn lâu năm nhất của cha tôi, theo xác nhận từ một lá thư của Nha Quy chế Nhân thân thuộc Phủ Tổng ủy Vấn đề Do Thái[26] gởi cho viên trưởng một “Ty Điều tra Kiểm soát”: “Ngày 6 tháng Tư năm 1944. Trong công văn dẫn chiếu dưới đây, tôi đã yêu cầu quý Ty tiến hành bắt giữ khẩn cấp đối với tên Do Thái Gordine Sacha vì lỗi vi phạm luật 2 tháng Sáu năm 1941. Quý Ty có thông tri cho tôi hay rằng đương sự đã rời khỏi nơi cư trú không để lại địa chỉ mới. Thế mà, có người đã nhìn thấy đương sự những ngày gần đây đi xe đạp trên đường phố Paris. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu quý Ty một lần nữa cho khám nhà đương sự hầu có thể đáp ứng công văn ngày 25 tháng Giêng vừa qua của tôi.”

Tôi nhớ lần duy nhất trong đời cha tôi gọi lại giai đoạn nầy, đó là buổi tối khi hai cha con đương trên đại lộ Champs-Élysées. Ông chỉ tôi cuối con đường Marignan, đoạn ông bị hốt vào tháng Hai 1942. Rồi ông kể tôi nghe cuộc bắt bớ lần nhì, mùa đông năm 1943, sau khi bị “ai đó” chỉ điểm. Ông bị đưa tới Trại tạm giam rồi lại được “ai đó” cho lệnh thả. Tối hôm ấy, tôi cảm giác rằng ông muốn thổ lộ với tôi một chuyện gì nhưng không nói thành lòi. Rốt cuộc, ông chỉ thuật ngắn gọn là chiếc xe bít bùng đánh vòng các đồn cảnh sát rồi mới chịu ghé Trại tạm giam. Trong mấy lần dừng đó, có một đứa con gái leo lên ngồi đối diện ông, sau này, tôi đã thử nhiều lần, vô ích, tìm lại dấu vết cô ta, mà không biết đích xác buổi tối đó là năm 1942 hay 1943.

Mùa xuân năm 1944, cha tôi nhận được nhiều cú điện thoại nặc danh, bến Conti. Giọng nói trong ống nghe gọi cha tôi bằng đúng tên thật của ông. Chiều nọ, lúc cha tôi vắng nhà, hai thẩm sát viên cảnh sát Pháp nhận chuông cửa và đòi “Ông Modiano”. Mẹ tôi khai rằng bà chỉ là một cô gái Bỉ làm việc cho Continental, hãng của Đức. Bà cho một người tên Henri Lagroua mướn lại buồng trong căn chung cư nầy và không nắm thông tin gì hơn để cung cấp. Họ bảo sẽ trở lại. Cha tôi, muốn tránh họ, bèn bỏ đi khỏi bến Conti. Tôi nghĩ đó không còn là Cảnh sát đặc trách Vấn đề Do Thái của Schweblin[27] nữa mà là người của Ty Điều tra Kiểm soát - như trường hợp Sacha Gordine. Hoặc người của ông quận trưởng[28]Permilleux trên Lỵ sở[29]. Về sau, tôi những muốn nhận diện những người nầy, nhưng họ nhất định trốn trong cái bóng tối ám mùi da thuộc bị mục của mình.

Cha mẹ tôi quyết trốn khỏi Paris càng sớm càng tốt. Christos Bellos, gã Hy Lạp mà mẹ tôi quen ở nhà B., có cô bạn gái sống trong đồn điền gần Chinon. Thế là cả ba người xuống đó tạm dung thân. Mẹ tôi đem theo cả y phục thể thao mùa đông phòng khi lại phải cao bay xa chạy. Họ tiếp tục trú ẩn trong căn nhà vùng Touraine đó cho tới ngày Giải phóng rồi sẽ trở lại Paris bằng xe đạp giữa tràn ngập các đoàn quân Hoa Kỳ.

Đầu tháng Chín năm 1944, ở Paris, cha tôi không muốn ngay lập tức quay về bến Conti, lần nầy không phải do sợ cảnh sát bắt lên giải trình mà là vì những mối làm ăn ngoài luồng phi pháp. Cha mẹ tôi ở khách sạn ngay góc ngã tư đại lộ Breteuil và đại lộ Duquesne, chính là Alcyon de Breteuil, nơi cha tôi từng đến trốn tránh vào năm 1942. Cha gởi mẹ tôi về bến Conti thám thính tình hình. Bà bị cảnh sát triệu tập và trải qua cuộc thẩm vấn dài. Bà là ngoại nhân nên họ muốn biết chính xác lý do gì bà đến Paris năm 1942 dưới sự bảo trợ của người Đức. Bà trình bày rằng mình là hôn thê của một người Do Thái, sống chung với nhau hai năm nay. Các cảnh sát viên thẩm vấn mẹ tôi có lẽ là đồng nghiệp của những người muốn bắt cha tôi, dưới tên thật Modiano, mấy tháng trước đây. Hoặc chính là cùng một bọn. Nay thì họ phải tìm ông trong hồ sơ với cái tên đi mượn Lagroua, và vô phương nhận dạng.

Mẹ tôi được thả. Buổi tối ở khách sạn, dưới cửa sổ phòng cha mẹ tôi, dọc theo dải đất giữa đại lộ Breteuil, nhiều phụ nữ đi dạo cùng lính Mỹ và một trong số họ cố gắng diễn tả cho người Mỹ hiểu rằng người ta ở đây chờ người Mỹ đến từ bao nhiêu tháng nay. Cô nàng xòe bàn tay đếm “One, two…”. Thế mà chàng lính Mỹ không hiểu nên bắt chước xòe bàn tay đếm theo:“One, two, three, four…”. Cứ vậy không dừng. Sau vài tuần, cha tôi rời Alcyon de Breteuil. Về lại bến Conti, cha tôi khám phá ra rằng chiếc xe Ford mà ông giấu trong một gara ở Neuilly đã bị Milice[30] trưng dụng hồi tháng Sáu. Và rằng Georges Mandel[31] đã bị ám sát trong chiếc Ford đó, thùng xe có nhiều lỗ đạn, nên xe bị cảnh sát giữ lại phục vụ điều tra.

Mời các bạn đón đọc Lai Lịch của tác giả Patrick Modiano & Thiệu-Nam (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000