Lời Hứa |
|
Tác giả | Damon Galgut |
Bộ sách | |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 1358 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Damon Galgut Nguyễn Quang Huy Giải Booker Tiểu Thuyết Hiện Thực Tâm Lý Xã Hội Văn Học Nam Phi Văn Học Châu Phi |
Nguồn | waka.vn |
Lời Hứa với nội dung xoay quanh thời kỳ hậu Apartheid ở Nam Phi của tác giả Dalmon Galgut. Được viết dưới một góc nhìn linh hoạt, liên tục chuyển đổi giữa các nhân vật, cuốn sách nói về một gia đình người Nam Phi da trắng sống trong một trang trại bên ngoài Pretoria.
Câu chuyện bắt đầu với cảnh cả gia đình cùng quay về họp mặt sau một thời gian ly tán để dự tang lễ của Ma – người phụ nữ lớn tuổi đứng đầu cả gia đình. Những người con thuộc thế hệ trẻ, Anton và Amor, ghét tất cả những gì gia đình ủng hộ - đặc biệt là việc thất hứa với người phụ nữ da đen đã phục vụ họ cả đời - Salome.
Sau nhiều năm phục vụ, bà đã được hứa trao tặng một ngôi nhà và đất đai riêng... nhưng bằng cách nào đó, đã sau hàng thập kỷ mà lời hứa đó vẫn không được thực hiện.
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký cuốn tiểu thuyết sâu sắc của Damon Galgut đã được trao giải Booker danh giá vào năm 2021.
***
Ngày 3-11-2021, khi cuốn tiểu thuyết “Lời hứa” của nhà văn, nhà viết kịch người Nam Phi Damon Galgut được xướng danh trao tặng giải thưởng Booker, một giải thưởng văn học danh giá của nước Anh, tên tuổi tác giả đã nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới, và sau đó cuốn sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau trên khắp các châu lục. Ở Việt Nam, đến năm 2022, qua bản chuyển ngữ của Nguyễn Quang Huy, tác phẩm cũng đã được Nhà xuất bản Lao Động cho ra mắt và được đông đảo người yêu sách đón nhận.
Xoay quanh câu chuyện của một gia đình người da trắng (gốc châu Âu) sống tại một trang trại ở ngoại ô Pretoria (thủ đô Nam Phi) trong thời kỳ hậu chủ nghĩa Apartheid, tiểu thuyết bắt đầu vào dịp mọi người tái ngộ sau thời gian ly tán để tham dự tang lễ của Ma, người phụ nữ cao tuổi nhất cũng là người đứng đầu trong gia đình trên. Trong dịp này, hai người con thuộc lớp trẻ nhất của gia đình có tên là Anton và Amor đã tỏ ra bất bình, thậm chí phẫn nộ về việc những người thuộc các thế hệ trong gia đình mình thất hứa với bà Salome - một phụ nữ da đen. Bà Salome là người giúp việc đã phục vụ họ cả đời và được họ hứa tặng một ngôi nhà cùng đất đai riêng. Nhưng sự chờ đợi của người phụ nữ tận tụy ấy đã kéo dài hết thập kỷ này sang thập kỷ khác trong tâm trạng vô vọng mà không được ai để tâm thực hiện.
Thông qua tác phẩm, độc giả được cung cấp bức tranh rộng lớn về đời sống sinh hoạt, về nền văn hóa sinh động và đa dạng của người dân Nam Phi, cùng nhiều nội dung liên quan đến vấn đề sắc tộc vốn diễn ra nhạy cảm ở mảnh đất này. Từ sự phẫn nộ đầy cá tính, đầy nét riêng của các nhân vật trẻ như Anton, Amor, “Lời hứa” nhấn mạnh về vai trò tình cảm gia đình và sự đoàn kết của các thành viên trong những thời điểm khó khăn, kêu gọi mọi người phải sống chính trực và tôn trọng danh dự, đặc biệt trong tình huống đối mặt với việc thất hứa và bất công trong xã hội.
Từ chuyện của một gia đình, mở rộng ra, tác phẩm cho thấy rằng, trong thời kỳ hậu Apartheid ở Nam Phi, chủ quyền đất đai là một vấn đề quan trọng đối với người da đen và da trắng. Việc thất hứa với người phục vụ là một ví dụ điển hình cho sự bội tín và bất đồng trong xã hội.
Về nghệ thuật, cốt truyện tuy không gay cấn nhưng lại được kết cấu theo hướng đa chiều, liên tục chuyển đổi giữa các nhân vật thông qua cách dẫn dắt gắn liền với vô số chi tiết kết nối từ những nhánh gia phả ở một gia đình qua nhiều thời điểm khác nhau trong không gian rộng lớn, nhờ đó “Lời hứa” đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc. Đặc biệt, cùng với giọng văn đầy chất giễu nhại, hài hước, trong tiểu thuyết “Lời hứa”, Damon Galgut đã tỏ ra rất linh hoạt, rất điêu luyện khi tường thuật cũng như khi chuyển cảnh của truyện. Ở nhiều phần trong sách, khi đọc, ta có cảm giác như lời tường thuật của tác giả tựa một chiếc máy quay phim đang liên tục lia qua nhiều cảnh mà không bị xơ cứng giữa các mạch nối. Tác giả cũng tỏ ra rất điêu luyện khi diễn đạt bức tranh hiện thực xen kẽ, hòa trộn với các yếu tố tâm linh, huyền ảo đậm nét châu Phi, tạo cho nội dung tác phẩm trở nên đa nghĩa, đa tầng.
Nội dung mang tầm vóc thời đại và bút pháp ấn tượng, đó là các yếu tố tạo nên sức hút từ “Lời hứa”!
NHẬT HẠ
***
Phát biểu khi nhận giải, nhà văn Damon Galgut nói: “Đây là một năm tuyệt vời cho văn chương Phi Châu. Tôi xin nhận giải thưởng này nhân danh tất cả các câu chuyện đã được kể ra và chưa từng được kể, những nhà văn đã nổi tiếng và chưa hề nổi tiếng, từ lục địa đặc biệt này, nơi tôi xuất thân. Tôi hy vọng mọi người sẽ quan tâm hơn đến văn chương Phi Châu.” Điểm quan trọng trong tác phẩm Lời Hứa là tính hài hước, theo Galgut. “Nó đề cập đến những đề tài nặng ký như tang ma, chết chóc, hư hỏng và bỏ rơi… Tôi không cho rằng tôi mất hết bốn năm viết một tác phẩm để tự làm cho mình suy sụp. Tính hài hước mở ra cho tôi một lối thoát để viết về khía cạnh nhân bản của sự vật, bởi vì tác phẩm thực sự không nói về cái chết, mà về sự sống.”
Lời Hứa bắt đầu vào khoảng giữa thập niên 1980, đánh dấu thời gian cao điểm của chế độ Apartheid (phân biệt chủng tộc) và chấm dứt vào năm 2018, lúc chế độ này đã hoàn toàn lùi vào quá khứ. Đó là câu chuyện của gia đình Swarts da trắng, dòng dõi của những di dân Hòa Lan đến định cư ở Nam Phi vào thế kỷ 17. Chồng là Manie, vợ là Rachel, và ba đứa con. Con trai đầu, Anton, đang thi hành quân dịch, cô gái giữa, Astrid, ở cùng cha mẹ và cô gái út, Amor, là học sinh nội trú. Dựa vào ý tưởng chính đến từ câu chuyện của một người bạn kể lại đám tang của bốn người thân trong gia đình là cha, mẹ, anh và chị mà anh ta tham dự, Damon Galgut xây dựng truyện thành bốn phần, mỗi phần kéo dài một thập niên tập trung vào cái chết của một thành viên trong gia đình Swarts, đưa đến sự suy đồi của dòng họ Swarts.
Phần 1: Đó là vào năm 1986, bà Rachel chết, các con trở về nhà dự tang lễ mẹ. Lúc này, Nam Phi đang nằm dưới chế độ phân biệt chủng tộc. Trước khi mất, bà trối trăng lại cho chồng, ông Manie, là bà tặng cho Salome, người giúp việc da đen, ngôi nhà mà chị ta ở trên đất của gia đình, để trả ơn cho sự phục vụ tận tâm cùa chị. Manie hứa thực hiện lời vợ dặn, nhưng khi xong tang lễ, ông phủ nhận lời hứa của mình mặc dầu cô con gái út, Amor, bảo là cô đã nghe lén được lời ông hứa với mẹ. Sau tang lễ, Amor trở lại trường, Anton trở về đơn vị, nhưng rồi quyết định đào ngũ, đi trốn ở một nơi thật xa.
Phần 2: Gần một thập niên sau đám tang Rachel, ông Manie qua đời trong một trường hợp hết sức bất thường: tại một buổi họp mặt quyên tiền cho nhà thờ, Manie tình nguyện trèo vào chiếc lồng nuôi rắn của công viên nhằm thử thách đức tin của mình cũng như để phá kỷ lục là người ở lâu nhất trong lồng rắn; ông bị rắn cắn chết ngay lập tức. Tang lễ ông Manie là cơ hội cho cả ba anh chị em có dịp gặp lại nhau. Lúc này, chế độ Apartheid đã sụp đổ, ông Mandela (người bị chế độ nhốt tù 27 năm) đang làm tổng thống và người da đen được hưởng tất cả những quyền lợi như người da trắng. Theo di chúc, Anton được thừa hưởng phần lớn gia tài mà Manie để lại và hứa với Amor là sẽ thực hiện lời hứa cho Salome làm chủ ngôi nhà. Nhưng rồi Anton thất hứa.
Phần 3: Một thập niên nữa trôi qua. Astrid bỏ chồng lấy một người khác. Amor trở về từ London, làm việc cho một cơ sở y tế ở Nam Phi. Anton cưới vợ và về ở tại trang trại của gia đình. Thời gian này, tội phạm tràn lan ở Nam Phi. Trong một lần lái xe, Astrid bị ăn cướp giết chết để lấy xe đem đi bán. Cái chết của Astrid khiến Amor phải trở về nhà dự tang lễ chị. Gặp lại anh trai, cô nhắc lại lời hứa của gia đình đối với người giúp việc, nhưng Anton vẫn tiếp tục làm ngơ.
Phần 4: Đó là năm 2017, một thập niên sau khi Astrid qua đời, Anton đâm ra chán đời. Một đêm, anh ta dùng súng tự tử chết. Trở về nhà dự tang lễ anh lần này, Amor, người duy nhất còn lại trong gia đình Swarts, tìm cách làm tròn lời hứa của cha với Salome. Cô nhờ luật sư giúp đỡ và cuối cùng, sang tên căn nhà cho Salome, đồng thời biếu Salome một số tiền mà nàng thừa hưởng từ tài sản của gia đình. Tính ra, từ khi “Lời Hứa” được người mẹ đưa ra cho đến khi thực hiện, đã 31 năm. Trải qua thời gian quá dài, ngôi nhà nhỏ bây giờ đã xiêu vẹo, đổ nát và Salome tuổi thì cũng đã cao, đang sửa soạn trở về làng quê mình, nên món quà tặng muộn màng chẳng còn giá trị gì, vừa về tinh thần lẫn vật chất, so với lúc được hứa cho. Hơn nữa, thời thế thay đổi, ngôi nhà cũng chẳng còn phải là tài sản của gia đình Swarts vì gia đình này thừa hưởng nó từ những người thực dân Hòa Lan đã cướp đất của người da đen bản xứ từ những thế kỷ trước. Thành thử, tuy nhận được ngôi nhà, nhưng Salome và nhất là đứa con trai của bà, Lukas, không vui, thậm chí còn giận dỗi. Thiện chí của Amor, rốt cuộc, không giúp xóa tan được những bất công mà người da đen bản xứ nói chung, và gia đình Salome nói riêng, chịu đựng dưới chế độ phân biệt chủng tộc trong một thời gian quá dài.
Trong một cuộc phỏng vấn, Damon Galgut diễn tả gia đình Swarts là “Một mớ hổ lốn của mọi thứ khi tôi lớn lên ở Pretoria. Cũng là một hỗn hợp giữa tiếng Anh và tiếng Afrikaans, một hỗn hợp giữa tín điều và đức tin. [Điều đó] chẳng có gì là bất bình thường ở phần đất này trong thế giới. Cái làm cho chúng trở thành ‘tiêu biểu’ không phải là các nhân vật của chúng, mà là những thời đại mà họ sống qua. Tác phẩm được xây dựng chung quanh bốn đám tang, mỗi một đám tang diễn ra trong một thập niên khác, với một tổng thống khác đang nắm quyền và do đó, một tinh thần khác đang ngự trị trên đất nước. (…) Mặc dầu hầu hết chất liệu đó đều là bối cảnh, nó gợi nên một cảm thức về thời gian đang trôi qua và cũng là về đất nước đang thay đổi.” Galgut cho rằng, “thời gian và thời gian trôi qua, đó chính là đề tài thực sự của tác phẩm.”
Lời Hứa là một trong những tác phẩm có tính sáng tạo về hình thức, vay mượn những kỹ thuật diễn đạt mới đã từng được khai triển có hiệu quả trong In a Strange Room, cũng của Galgut, là tác phẩm được lọt vào vòng sơ tuyển giải Booker năm 2010. Theo nhận xét của ban giám khảo, Lời Hứa chịu ảnh hưởng của James Joyce cả về đề tài lẫn văn phong, là một thứ tiểu thuyết “tân hiện đại” (neo-modernist). Người kể chuyện giữ một vị trí mập mờ, khi thì đứng ở ngôi thứ nhất, tập trung trên một nhân vật duy nhất, khi thì đứng ở ngôi thứ ba, đưa ra một cái nhìn sâu sắc và khách quan hơn. Sự nhảy cóc này thường nằm ngay trong một đoạn, nhưng cũng có khi nằm ngay trong một câu. Có những phần và những đoạn được diễn đạt tự do, khá gần với cách diễn đạt “dòng ý thức” của Joyce.
Được hỏi về kỹ thuật viết này, Galgut cho biết là trong khi ông bắt đầu viết tác phẩm theo cung cách truyền thống, thì ông được mời viết một kịch bản phim, buộc ông phải tạm ngưng. Quy ước làm phim hoàn toàn khác với quy ước viết văn. Do đó, khi xong phim, ông quay trở lại viết thì nhận ra rằng “người kể chuyện có thể cư xử như một cái máy quay phim, đang chuyển đến gần rồi bỗng nhiên lùi thật xa ra phía sau, nhảy từ nhân vật này đến nhân vật khác ngay giữa một cảnh, hoặc ngay trong một câu, hoặc đi theo một số đường biên (side line) của hành động chẳng dính dáng gì đến cốt truyện. Ở trong phim, điểm nhìn thường nhảy cóc (jump) và luôn thay đổi, vậy tại sao không thử áp dụng trong tiểu thuyết? Tôi hết sức hứng thú với cách thực hiện này vì nó giúp tôi giải thoát khỏi những cái chật hẹp của truyền thống, và cho phép tôi thả lỏng cho những tạp âm luôn luôn chen chúc nhau bên trong tôi, muốn được lắng nghe.”
*
Damon Galgut sinh ở Pretoria, thủ đô Nam Phi, vào năm 1963, thuộc dòng dõi những di dân da trắng từ Châu Âu đến định cư ở Nam Phi từ thế kỷ 17. Khi lên 6 tuổi, ông bị ung thư, phải nằm bệnh viện nhiều năm, gây nên một chấn thương nặng nề, ảnh hưởng lớn lao vào cả cuộc đời ông. Lòng yêu thích chuyện kể phát triển trong thời gian tĩnh dưỡng vì được thân nhân đọc sách, truyện cho ông nghe. Về sau, ông theo học kịch nghệ tại University of Cape Town và trở lại giảng dạy tại đại học này. Ông là người đồng tính. Chính điều này khiến cho ông tập trung nhiều vào các quan hệ với nam giới trong các tác phẩm của ông. Ông “nghiện” Yoga, không sử dụng xe hơi và truyền hình. Ngoài ra, thay vì sử dụng máy vi tính, ông thích sáng tác bằng viết tay, rồi sau đó mới sao chép lại vào máy vi tính.
Damon Galgut đã xuất bản 9 tiểu thuyết:
– A Sinless Season (1982)
– Small Circle of Beings (1988)
– The Beautiful Screaming of Pigs (1991)
– The Quarry (1998)
– The Good Doctor (2003)
– The Impostor (2008)
– In a Strange Room (2010)
– Arctic Summer (2014)
– The Promise (2021)
Ngoài ra, Galgut cũng xuất bản 4 vở kịch: “Echoes of Angers,” “Party for Mother,” “Alive and Kicking” và “The Green’s Keeper.”
Tiểu thuyết đầu tay A Sinless Season được sáng tác vào năm ông 17 tuổi. Ông đoạt nhiều giải thưởng văn chương, trong số đó, The Beautiful Screaming of Pigs đoạt giải Central News Agency Literary Award và The Good Doctor đoạt giải Commonwealth Writers Prize Africa Region for Best Book là hai giải rất có uy tín ở Phi Châu. Hai tác phẩm The Good Doctor và In a Strange Room đã từng lọt vào vòng chung kết giải Booker. Riêng tác phẩm The Quarry được một công ty điện ảnh Bỉ quay thành phim. Năm 2013, Damon Galgut được bổ nhiệm vào Viện Hàn Lâm Văn Chương Nghệ Thuật Hoa Kỳ (American Academy of Arts and Letters).
The Promise là một trong sáu tác phẩm lọt vào vòng chung kết. Năm tác phẩm kia là: No One Is Talking About This, tác phẩm đầu tay của Patricia Lockwood (Mỹ); The Fortune Men của Nadifa Mohamed (Somali-Anh); Great Circle của Maggie Shipstead (Mỹ); A Passage North của Anuk Arudpragasam (Sri Lanka); và Bewilderment của Richard Powers (Mỹ). Ban giám khảo giải năm nay gồm có: sử gia Maya Jasanoff, nhà văn Horatia Harrod, nghệ sĩ Natascha McElhone, nhà văn Chigozia Obioma và nhà văn Rowan Williams.
Được thành lập vào năm 1969, Giải Booker mở ra hàng năm dành cho những nhà văn thuộc bất cứ nước nào trên thế giới với tác phẩm sáng tác bằng Anh văn và xuất bản ở Vương quốc Anh hay Ái Nhĩ Lan. Người đoạt giải sẽ nhận được 50 ngàn bảng Anh; người có tác phẩm được lọt vào vòng sơ tuyển sẽ nhận được 2.500 bảng Anh. Trong danh sách những nhà văn đã đoạt giải Booker trong quá khứ, có nhiều tên tuổi lớn trên thế giới như Margaret Atwood (Canada, 2 lần), J.M. Coetzee (Nam Phi, 2 lần), Arundhati Roy (Ấn Độ), Salman Rushdie (Anh gốc Ấn), V.S. Naipaul (Anh gốc Trinidad)…