DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tản văn Sống Chậm Thời @ của tác giả Nguyễn Ngọc Tư & Lê Thiếu Nhơn.

“Tựa vào quê nhà để kể chuyện quê nhà”, Ngọc Tư chưa bao giờ làm cho độc giả thôi muốn ngưng nghe. Càng đọc, càng tưởng như chẳng bao giờ đi được hết quê nhà ấy của Ngọc Tư bởi tình yêu ắp đầy của chị.

Đọc Đời một chút vui, Tần ngần giữa chợ, Món nợ không thể đòi, Ra đường dạy con, Những thiên thần mắc đọa... mà rưng rưng. Mỗi câu chuyện đều đọng lại một hình ảnh hay câu nói thắt lòng về những yêu thương ở đời. Tấm lòng của người mẹ, cái tình của người Việt, cái hồn của quê Việt đằm sâu trong từng câu chữ, từng tiếng “ờ”, tiếng “dùm” san sẻ, bao dung. Nhiều câu chuyện khiến người đọc nhớ mãi, và đôi khi chính những sẻ chia ấy trở thành điểm tựa cho người đọc của chị. Tựa vào đó, như vịn vào yêu thương, mà đi tới.

Xen kẽ những trang viết đậm chất Nam bộ của Ngọc Tư là những trang văn đầy chất thơ của Lê Thiếu Nhơn. Sau thơ, Lê Thiếu Nhơn cho thấy anh cũng là một người có thể đi đường dài bằng thể loại tạp văn ở cách biết khai thác đề tài. Bắt gặp trong tản văn của Thiếu Nhơn một bộ mặt đời sống văn nghệ phố phường, từ chuyện giới tính nghệ sĩ đến những va quệt trong giới cầm bút, từ bóng đá đến nhạc Trịnh thời @, từ áp lực thần đồng, ảo giác thơ trẻ đến những câu hỏi rất ư thời sự của chính sự: bàn tay sạch đang ở đâu? Lý luận trong tản văn của Thiếu Nhơn đôi lúc hơi “gồng mình”, công thức nhưng đằng sau đó người đọc tìm thấy một ngọn lửa trẻ ắp đầy những nghĩ suy. Anh gìn giữ được ngọn lửa ấy trong những trang viết của mình như giữ gìn những hoài niệm trong trẻo phía quê nhà.

Tựa chung cho tác phẩm tập hợp 30 tản văn của hai cây bút trẻ này là Sống chậm thời @. Phải chăng người làm sách muốn gửi gắm về một tâm thế biết sống chậm lại trước những vòng quay hối hả của thời hiện đại? Nhưng có lẽ, chậm hay không không là vấn đề, mà quan trọng hơn là sống đầy - lòng đầy yêu thương và cái nhìn về mọi góc cạnh cuộc sống không hề nông cạn. Sống đầy cũng là tựa một tản văn của Nguyễn Ngọc Tư trong tập sách này.

 

Mục lục:
  • Lục bình
  • Mùa thổi ngang ký ức
  • Đời một chút vui
  • Phim giống như đời
  • Món nợ không thể đòi
  • Người xưa có luận nơi thành bại?
  • Tuyệt đối yên tĩnh
  • Ai đi qua xa vắng
  • Tần ngần giữa chợ
  • Một thế giới nghệ sĩ nhạt nhoà giới tính
  • Ma và người
  • Áo rách thương nhau
  • "Sông nhỏ thà đau phận bể khơi"
  • Chợt nhớ tinh thần thượng võ
  • Giữa đời phiền muộn
  • Va quyệt văn chương
  • Nụ cười kỳ tích
  • Giải mã ảo giác thơ trẻ
  • Sống đầy
  • Nhạc Trịnh thời @
  • Chế tạo kỷ niệm
  • Dự báo sạch
  • Những thiên thần mắc đoạ
  • Đi tong gió chiều cuối năm
  • Mùa hoa giữa phố
  • Sách cũ còn một chút tình
  • Không nước mắt
  • Áp lực thần đồng
  • Ra đưòng dạy con
  • Một vòm xanh an ủi.
***
Có người cho rằng, hình như giờ lại là “thời của tản văn”. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo và cả... nhà phê bình cũng xoay ra viết tản văn. Những góc nhỏ dăm bảy trăm chữ in nghiêng ở một góc rất xinh của tờ báo bất kỳ, dễ thu hút sự chú ý của độc giả.

Có lẽ bởi, trong thời buổi thông tin nhiễu loạn này, nhiều người đã tìm thấy ở những dòng in nghiêng kia sự lắng dịu của tâm hồn, sự chia sẻ, lời nhắn nhủ về những điều tưởng chừng bé nhỏ mà trong cuộc sống bộn bề, hối hả hôm nay người ta dễ thờ ơ, quên lãng. Nguyễn Ngọc Tư và Lê Thiếu Nhơn cũng muốn gửi gắm điều này với độc giả bằng 30 tản văn trong tập “Sống chậm thời @” vừa được NXB Thanh Niên ấn hành.

Dường như không tìm thấy khoảng cách của Nguyễn Ngọc Tư trong truyện ngắn và trong tản văn của chị. Độc giả và bạn văn yêu mến Nguyễn Ngọc Tư đều nhận ra rằng chị luôn  “tựa vào quê nhà để kể chuyện quê nhà”, nhưng chưa bao giờ chị làm cho độc giả thôi muốn nghe, thôi muốn khám phá vùng đất độc đáo trong những trang viết của chị.

Trong “Sống chậm thời @”, Nguyễn Ngọc Tư vẫn mang phong cách ấy cùng một tình yêu đằm vào từng con chữ gửi gắm những nỗi niềm trăn trở khiến nhiều người phải suy nghĩ (“Đời còn một chút vui”, “Lục bình”, “Ma và người”…). Các tản văn về quê nhà của chị khiến người đọc dậy nên một nỗi nhớ quê, nhớ nhà da diết bằng cách gợi lên cái cảnh chợ phiên rồi không khí, quang cảnh của đám ma, đám giỗ, đám cưới - nơi họ hàng, anh chị em xích lại gần nhau. Sự chia sẻ của Ngọc Tư khiến nhiều người tìm thấy điểm tựa quê nhà trong lòng mình, tin hơn vào tình “quê hương mỗi người chỉ một” nuôi ta khôn lớn.

Nguyễn Ngọc Tư có cái nhìn đằm thắm và mẫn cảm của một người phụ nữ viết văn, nhưng trước hết chị lại là người vợ, người mẹ trong gia đình. Bởi vậy, nhiều câu chuyện của chị khiến người đọc bị ám ảnh khôn nguôi, bởi những chia sẻ của chị thật quá, đời quá (“Món nợ không thể đòi”, “Ra đường dạy con”, “Những thiên thần mắc đọa”, “Mùa hoa giữa phố”…). “Họ, phần lớn là nông dân, nom lấm lem và lạc lõng, gương mặt sương nắng dạn dày. Suốt cả ngày ba mươi tết, họ không thể ngồi, chỉ đứng. Có lẽ, trong lồng ngực họ, nhịp tim bắt đầu hối hả, nhanh dần, nhanh dần… Và thắt lại khi pháo hoa nở rực rỡ trên nền trời, những công nhân vệ sinh chợ bắt đầu dồn đuổi thấp thoáng, người bắt đầu thưa khi hoa vẫn còn rực lên một cách tuyệt vọng…” (“Mùa hoa giữa phố”).

Chị luôn mang những suy nghĩ, tình cảm của một người mẹ với đứa con thơ vào trang viết như những lời tự sự giản dị mà tinh tế. Có lẽ chính bởi vậy mà các câu chuyện của chị đều có sức lay động bởi nó chứa đựng những nỗi niềm của tác giả: “Dằng dặc sau đó là những câu hỏi khác, tại sao con cá kia lại nằm im re, vì sao nó chết, ai làm nó chết. Tại sao cọng rau này màu tím, cọng rau kia lại màu xanh. Mẹ vẫn nhẫn nại trả lời con và diễn đạt làm sao cho giản dị, dễ hiểu. Chỉ câu hỏi: “Mẹ ơi, tại sao người ta đem bán cá em bé? Sao người ta không cho cá em bé đi học mẫu giáo mà ăn thịt tụi nó làm chi, tội nghiệp…?”, mẹ phải ngẩn ra rất lâu, phân vân tìm câu trả lời… Mẹ đắn đo rất lâu, mẹ sợ suy nghĩ kia được nói nên lời sẽ là quá tàn nhẫn đối với đứa trẻ…Tất cả những thứ ấy, như một món nợ mà lớp con cháu không thể đòi lại từ thế hệ đi trước…” (“Món nợ không thể đòi”). Và có lẽ, chính từ những quan sát luôn đi kèm suy tưởng sâu sắc của mình mà Nguyễn Ngọc Tư nhận ra rằng: “Kinh nghiệm, càng đa cảm với sự mạnh yếu, thấp cao thì rước đau vào lòng…” (“Giữa đời phiền muộn”). Chính sự đằm thắm và chân thật trong cảm xúc, trong suy nghĩ và sự tinh tế trong mỗi liên tưởng đã tạo sức hút kỳ lạ trong tản văn của Nguyễn Ngọc Tư.

Song hành với mỗi tản văn của Nguyễn Ngọc Tư là một tản văn của Lê Thiếu Nhơn – một nhà thơ làm báo, sống giữa đô hội Sài Gòn nhưng vẫn nuôi dưỡng trong mình những tình cảm dịu dàng, những hoài niệm ấu thơ về quê nhà, về bà, về mẹ, về gió và về những vòm cây xanh bình yên, sự che chở...

“Bây giờ nội tôi chỉ còn một nắm cỏ vàng úa trên đồi xưa, tôi qua thời thơ dại mà vẫn thèm ngoái về chạy chân đất theo người phiên chợ đông. Ngày nào bánh chưng bà nội tôi gói vuông vức lắm, mở lớp lá chuối sẫm màu ra, rồi dùng một cọng cói cắt từng miếng bánh xanh ngan ngát. Màu xanh ấy không phải là màu xanh của mây trời, màu xanh ấy không phải là màu xanh của lộc mới, màu xanh ấy là màu xanh tình thương của bà nội tôi dành cho gia đình, cho một điềm lành với cháu con…” (“Đi trong gió chiều cuối năm”). Nhưng phần lớn những tản văn trong tập “Sống chậm thời @”, Lê Thiếu Nhơn đã dùng đến “con mắt báo chí” để triết luận một số vấn đề, một vài góc nhìn trong cuộc sống hiện đại: “Phim giống như đời”, “Một thế giới nghệ sĩ nhạt nhòa giới tính”, “Áo rách thương nhau”, “Va quệt văn chương”, “Dự báo sạch”, “Nhạc Trịnh thời @”… khiến nhiều người có cảm giác đó là những bài báo nhỏ được viết bởi một người “khéo chuyện” có văn vẻ trơn tru. Những bài báo ấy được viết bởi một nhà báo “khéo tay”: vui vẻ, nhí nhảnh và đôi chỗ hơi… láu cá.

Phải thừa nhận rằng Lê Thiếu Nhơn biết cách khai thác đề tài, biết đề cập vấn đề, nhưng “lý luận” trong tản văn của Lê Thiếu Nhơn đôi khi không giấu được sự khiên cưỡng, đôi chỗ tác giả đã phải “gồng mình” lên để cố gắng truyền đạt hay gửi gắm một thông điệp nào đó (chứ không được tự nhiên như phần của Nguyễn Ngọc Tư). Có lẽ bởi Lê Thiếu Nhơn đã đưa vào tản văn của mình quá nhiều quan sát và trải nghiệm của một người làm báo đi nhiều, biết lắm (như anh tự nhận) mà những quan sát trải nghiệm đó vẫn chưa kịp lắng đọng thành một thứ sa khoáng mặn mòi hơn.

Đấy là chưa kể, trong tản văn của Lê Thiếu Nhơn vẫn còn điệu đà, vẫn còn vương vấn cách viết “làm duyên, làm dáng” kiểu như: “Nhưng tiếng khóc tu tu của cụ già khiến tôi thót nhớ cây me trước cổng nhà ngoại khi xưa. Cây me xum xuê gắn bó với tôi cả giấc mơ thời thơ ấu. Dì tôi trước ngày đi lấy chồng xa đã ra đứng tư lự dưới gốc me như tiễn đưa một thời con gái. Cậu tôi bị tình phụ cũng ra đứng thở dài dưới gốc me như như nuốt nước mắt ngậm ngùi. Còn tôi hay ra đứng dưới gốc me ngóng quà của ngoại buổi chợ tan… Sở dĩ tôi có chút mạnh mẽ rong ruổi trên cuộc đời hanh nắng cũng nhờ bóng lá cây me mơ màng bao tháng ngày bình lặng …” (Một vòm xanh an ủi).

Tản văn nếu chỉ có “mây, gió, trăng, sao, tuyết, núi, sông” thì chắc hẳn không có sức hút đến vậy mà sau đó phải đọng lại cái tình qua “thông điệp” của người viết. Trong thời buổi hối hả này, sống chậm lại một chút để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp, những yêu thương ở đời là điều khiến nhiều người phải suy nghĩ. --PageBreak--

Nhà thơ Vương Tâm (Chủ biên mục “Hà Nội tạp văn” của báo Hà Nội mới cuối tuần):

Nếu tập này chỉ gồm những cái đã in ở báo Thể thao & Văn hóa thì tôi chưa thật thích. Những suy nghĩ, động chạm cuộc sống của Ngọc Tư còn “nhẹ cân”. Cô ấy cũng muốn đặt ra những vấn đề xã hội, nhưng có thể vì bị hạn chế về số chữ, có thể cái “tầm” nhận thức xã hội còn chưa cao. Ngọc Tư dựa vào vốn hiểu biết cuộc sống có phần thu hẹp của mình và tìm một cách nói tản mạn, nhưng cách suy tư còn khiên cưỡng. Lê Thiếu Nhơn thì thỉnh thoảng có bài tôi thích, mặc dù những gì tôi đọc đa phần còn “nhẹ”. Dù sao, so với Ngọc Tư, Lê Thiếu Nhơn va đập cuộc sống hơn, biết tổ chức ý tưởng chặt chẽ hơn, dù số chữ trong bài cũng thế. Nhưng có điều việc gì cậu ấy phải in chung, phải “ăn theo” tên tuổi Ngọc Tư như vậy.

Biên tập viên Nguyễn Thanh Bình (NXB Thanh Niên):     

Là người trực tiếp biên tập cuốn sách “Sống chậm thời @”, tôi thấy sách tuy mỏng, nhưng đã nói đượcá nhiều điều tưởng chừng nhỏ mà lại không hề đơn giản. Hai tác giả, hai người bạn, hai lối viết. Nguyễn Ngọc Tư đưa đến cho người đọc cảm xúc về cuộc sống, con người vùng sông nước với một sự quan sát tinh tế và sâu sắc của một người phụ nữ đã có gia đình. Lê Thiếu Nhơn lại mang tới cho người đọc về một đời sống văn nghệ chốn thị thành bằng cách viết nhiều phần thông minh của một nhà báo - một chàng trai chịu khó quan sát và chia sẻ. Có thể “Sống chậm thời @” còn có gì đó để tôi và chúng ta đưa ra những nhận xét riêng, không chỉ vì số trang rất... mỏng của nó.

Nhà báo Đỗ Doãn Phương (Biên tập viên báo Thể thao & Văn hóa):

Số bài tản văn của Ngọc Tư in trên Thể thao & Văn hóa cũng không nhiều, chỉ chừng 7, 8 bài. Tôi làm mảng bài phía Bắc, cũng chỉ đọc một bài gì đó về hoa lục bình. Cũng không gây ấn tượng nhiều. Chỉ thấy cách kể chuyện có duyên riêng. Giọng điệu tình cảm, kín đáo.

Nhà báo Phong Điệp (Báo Văn nghệ trẻ):

Tôi thấy bản thân tên cuốn sách đã đáng để chúng ta suy nghĩ rồi. Cuộc sống ngày nay người ta cứ mải mốt quá, nhiều khi theo đuổi những thứ phù phiếm, nhưng lại chưa biết sống cho thật đúng nghĩa. Tôi đang nghỉ ở nhà chờ sinh con, nên đã đọc hết cuốn sách từ lâu, nó đọng lại trong tôi nhiều suy nghĩ, đó là: những giá trị chân thực của cuộc sống cần được trân trọng!. Nhiều khi chỉ là những điều người ta ngỡ là nhỏ nhặt trong cuộc sống này nhưng nó lại vô cùng có ý nghĩa. Ngoài ra, đó còn là những trang viết đẹp, giàu xúc cảm. Tất nhiên khó có thể đòi hỏi tất cả các bài đều hay trong một tập sách. Tư viết chân thật, như bản tính của Tư, không điệu đà, màu mè. Còn Nhơn là một nhà thơ làm báo, lại sống ở Sài Gòn, cảm xúc cũng có phần “phố thị” hơn Tư

Mời các bạn tải đọc sách Sống Chậm Thời @ của tác giả Nguyễn Ngọc Tư & Lê Thiếu Nhơn.

 
FULL: PDF

Giá bìa 106.000

Giá bán

85.000

Tiết kiệm
21.000 (20%)
Giá bìa 106.000

Giá bán

85.000

Tiết kiệm
21.000 (20%)