DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

'Thiên thần nổi loạn' - thông điệp về đức tin của Anatole France

Tiểu thuyết được nhà văn từng giành giải Nobel viết bằng kiến thức uyên bác về lịch sử Pháp, lịch sử tôn giáo, văn chương, hội họa.

Trong tác phẩm, Anatole France cho rằng con người có đức tin là cần thiết, nhưng tôn giáo hay niềm tin nào cũng cần được thanh lọc bằng những hoài nghi khoa học. Tinh thần thánh thiện, chủ nghĩa nhân văn là yếu tố quan trọng để một người lựa chọn đức tin.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết Thiên thần nổi loạn là Arcade - một thiên thần hộ mệnh giáng phàm. Trên con đường tìm kiếm tri thức khoa học và chân lý, Arcade đã đảo tung một trong những thư viện tư lớn nhất châu Âu. Anh cùng nhóm thiên thần xây dựng một đạo quân chống lại thiên giới và hệ thống tín điều thủ cựu, chống lại sự giam hãm, áp đặt tư tưởng của tôn giáo và phá vỡ xiềng xích niềm tin để tri thức được thăng hoa.

Tác phẩm là những sự kết hợp thú vị của nhà văn Anatole France giữa học thức uyên bác với nghệ thuật đả kích, của trí tưởng tượng và hiện thực xã hội, lịch sử tôn giáo với phóng tác văn chương hay giữa những linh vật tôn giáo cùng các thực thể ngoại đạo... Tác giả cũng lồng ghép triết lý hoài nghi của bản thân vào trong tiểu thuyết.

Anatole France (1844 - 1924) là nhà văn lớn của nước Pháp thời cận đại. Ông sở hữu hàng chục đầu sách, trong đó có tiểu thuyết, thơ, cách ngôn, triết luận. Không chỉ là nhà văn, Anatole còn là như tư tưởng. Đầu thế kỷ 20, ông từ bỏ lập trường người quan sát để trở thành chiến sĩ đấu tranh cho nền dân chủ khi viết về các sự kiện lịch sử và xã hội đương thời. Năm 1921, Anatole France được trao giải Nobel vì "những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc".

Lam Thu

***

Nếu nói về một quyển sách khiến cho tôi lựa chọn vì bìa sách thì chắc là Thiên thần nổi loạn không thể nằm ngoài danh sách được. Bìa không phải là quá đẹp nhưng làm cho tôi cực kỳ tò mò, bố cục lại chặt chẽ. Tác giả đoạt giải Nobel năm 1921, thêm nữa khi xem giới thiệu, tôi thấy ghi rõ, người dịch là ông Đoàn Phú Tứ. Thế là đủ làm tôi yên tâm về nội dung sách mà đem về.

 

Phong cách viết của Anatole France trong Thiên thần nổi loạn vẫn mang ảnh hưởng sâu sắc của thời kỳ cận đại. Nếu ai đã từng đọc và yêu thích các cuốn Đỏ và Đen (Stendhal), Ba chàng lính ngự lâm (Alexandre Dumas I ) hẳn sẽ thấy một sự kế thừa trong văn phong của Anatole France. Với ngòi bút châm biếm, trào phúng tinh tế rất Pháp, Anatole France đã sáng tạo ra câu chuyện về những vị thiên thần giữa thế giới loài người. Ông khéo lồng ghép mốc thời gian của dòng họ d’Esparvieu khiến cho nội dung của tác phẩm mang phong vị lịch sử. Từ những cuốn sách, khổ sách đến cách dày công gìn giữ của ông thủ thư Sariette đã cho thấy người ta gọi thư viện dòng họ d’Esparvieu là thư viện lớn nhất châu Âu cũng chẳng ngoa. Trong bối cảnh đó, chàng thiên thần hộ mệnh Arcade, vì thất vọng trước anh thanh niên mà chàng bảo hộ đã đến thư viện đọc sách và nảy ra tư tưởng nổi loạn.

Anatole France đã kể hai câu chuyện đồng thời diễn ra rồi bất ngờ mạch truyện rẽ hướng khiến hai câu chuyện tìm đến một điểm chung và từ đó nhập thành một thể cho đến hết. Cuộc sống của những con người bình thường diễn ra cùng lúc với các thiên thần tìm đến nhau, tụ họp và lên kế hoạch cho cuộc cách mạng Thiên giới của họ. Trong khi đó, ở xã hội loài người dưới thời kỳ Đệ Tam Cộng Hòa, người ta có thể bắt gặp những quý cô, quý bà, quý ông của tầng lớp thượng lưu, ngoài mặt tỏ ra đoan trang, thuần hậu nhưng sau lưng lại ngoại tình, đánh bạc. Ngòi bút của tác giả cũng không quên những cô hầu người Anh, ông họa sĩ già, ông thủ thư, cô gái bán tranh, bà người mẫu, cô ca sĩ, cảnh sát…đã góp phần làm phong phú thêm bức tranh của xã hội Pháp đầu thế kỷ XX. Một trong hai nhân vật chính, Maurice, là đại diện của thanh niên quý tộc Pháp, không quá nhiệt tình với cái gì, ưa thích phụ nữ, thích ăn chơi hơn học tập. Gia đình anh sở hữu thư viện đầy những sách quý giá nhưng Maurice không mảy may quan tâm, và nếu anh không sa đà vào ăn chơi và phiêu lưu tình ái, hẳn vị thiên thần hộ mệnh Arcade của anh đã không chán nản đến mức độ tìm sách để đọc. Qua thiên thần Arcade, tác giả đã bộc lộ những hoài nghi sâu sắc: liệu kiến thức mà ta đã biết có đúng đắn không? Liệu đức tin có bao giờ mâu thuẫn với tri thức khoa học của nhân loại không? Có phải lúc nào nghệ thuật cũng vinh danh cái hay, cái tốt, cái đẹp trong khi chính nó cũng có lúc thể hiện sự trả thù của đấng bề trên? v..v… Người đọc cũng dễ nhận thấy nhân vật trong truyện có hai thiên hướng rõ rệt về tôn giáo: hoặc là rất mực tin tưởng hoặc gạt bỏ hoàn toàn.

Khi viết về các thiên thần, Anatole France để họ thích nghi với cuộc sống loài người, và thế là họ cũng trở nên trần tục hóa. Họ cũng bắt đầu đánh nhau, ghen ghét, giận dỗi, thèm muốn vợ của người khác, phản bội lại bạn mình thay vì vẻ thánh khiết, trong trắng trước đây. Arcade từ bỏ làm thiên thần hộ mệnh và trở thành  một kẻ rất đáng ghét. Tác giả dành nhiều tình cảm cho các vị thần Hy La, đồng thời châm biếm sự ngu trung của Tổng lãnh thiên thần Michel.  Ông khéo léo đưa lịch sử phát triển của văn minh nhân loại với sự thờ phụng các vị quỷ thần mà điển hình là thần rượu nho Dionysos, một hiện thân khác của thiên thần Lucifer trên hạ giới. Ông cũng đưa ra quan điểm của mình trước sự vô nghĩa của chiến tranh, đồng thời thể hiện rõ triết lý hoài nghi của mình ở cuối tác phẩm: chẳng có gì thường hằng, vĩnh viễn, kiến thức mới thay thế cho kiến thức cũ, thậm chí đấng sáng thế cũng có thể bị đánh đổ, thay thế chỗ của Satan. Và rồi dường như giai cấp lãnh đạo có ai chăng nữa thì họ rồi cũng sẽ quên mục đích ban đầu khi họ bất mãn muốn thay thế người cũ bằng tư tưởng mới của chính họ. Sự ham hiểu biết, ham học hỏi, tình yêu thương rộng lớn sẽ bị thay thế cho sự thỏa mãn trước lời ca tụng tạ ơn và “cảm thấy trơ trơ trước lòng thương xót”. Vậy nên, dù là thiên thần hay người trần mắt thịt thì cũng chẳng ai thoát được khỏi những thay đổi này.

Câu chuyện khép lại với giấc mơ của Satan, đây cũng là điều khiến tôi hơi tiếc nuối. Tôi đã nghĩ, sự chuẩn bị kỹ càng của các thiên thần từ bỏ Thiên giới sẽ làm nên một sự kiện gì đó lớn hơn thế hoặc tôi mong đợi một kết thúc khác cho Thiên thần nổi loạn. Rốt cuộc họ đã nổi loạn, từ bỏ làm thiên thần hộ mệnh, thậm chí kéo theo cái chết của một con người nhưng đã không hề làm cuộc cách mạng như họ toan tính. Satan, biểu tượng thường được biết đến với sự cám dỗ đầy dục vọng đã có một cách xuất hiện khác hẳn dưới ngòi bút của tác giả. Suy cho cùng, theo lời Satan, họ sẽ diệt được tên bạo chúa của họ nếu họ diệt được “sự dốt nát và lòng sợ hãi” trong chính tinh thần của mỗi cá nhân, và vì thế, chỉ cần chiến thắng được trong tinh thần thì cũng đã là chiến thắng rồi.

Vankey


Giá bìa 98.000   

Giá bán

78.000 

Giá bìa 98.000   

Giá bán

78.000